CẨN THẬN VỚI CÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO CUỐI NĂM

05.12.2024

Mỗi ngày có hơn hàng ngàn phản ánh của người Việt về các hình thức lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt trong dịp cuối năm khi các hoạt động mua sắm và giao dịch diễn ra sôi nổi, gia tăng cơ hội cho các chiêu trò lừa đảo hoành hành.

Quý Đại lý hãy xem qua các hình thức lừa đảo phổ biến gần đây để tránh các trường hợp không đáng có xảy ra dịp cận Tết nhé.

Giả mạo nhân viên công ty Game nhằm chiếm đoạt tài sản
Kẻ xấu sẽ giả mạo làm nhân viên công ty game và giới thiệu mình nắm được lỗi của hệ thống. Sau đó, mời cá nhân nạp tiền vào tài khoản vào các khung giờ cố định để thắng lại số tiền có giá trị cao hơn mức nạp ban đầu. Sau nhiều lần trả thưởng cho người chơi và lấy được lòng tin của họ, kẻ xấu sẽ báo tài khoản của đối tượng bị sập và không thể rút tiền ra được, sau đó biến mất bặt vô âm tín.

Những trường hợp trên xảy ra đa phần do chúng ta dễ dàng tin tưởng người lạ chỉ quen qua mạng mà không kiểm chứng lại thông tin, chuyển khoản cho một cá nhân/công ty nhưng lại không biết chủ tài khoản đó là ai và ở đâu. 

Mạo danh EVN để lừa đảo
Đường dây nóng của trung tâm CSKH Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục nhận được các cuộc gọi của người dân phản ánh về việc có nhiều số điện thoại lạ giả danh nhân viên điện lực với mục đích lừa đảo.

Các đối tượng này thông báo khách hàng chưa thanh toán hoặc đang thiếu nợ tiền điện, nếu không thanh toán đúng hạn sẽ bị cắt điện. Ngoài ra, các đối tượng còn hướng người dân tải app hoặc truy cập vào các nguồn link giả mạo nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng.

Gần đây, Công an thành phố Sơn La nhận được trình báo từ người dân về cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên điện lực yêu cầu thanh toán tiền điện qua app. Đối tượng xấu gửi mã QR và yêu cầu người dân lưu mã, sau đó nhập mã và quét sinh trắc học theo sự chỉ dẫn. Sau khi hoàn thành các bước, người dân lập tức bị trừ tiền với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng. 

Đã có rất nhiều trường hợp mắc bẫy vì nhẹ dạ cả tin. Thậm chí, đối tượng còn dùng các văn bản giả mạo có con dấu của EVN hướng dẫn khách hàng “chuyển tiền điện” hoặc kêu gọi góp vốn vào các dự án năng lượng ảo.

Gọi điện thông báo nợ tiền cước viễn thông để lừa đảo
Cũng tương tự như hình thức trên, đối tượng tự nhận là nhân viên nhà mạng và yêu cầu khách hàng chuyển khoản tiền cước đang nợ vào tài khoản mà họ cung cấp. Sau khi nhận được chuyển khoản, đối tượng sẽ chặn cuộc gọi và hoàn toàn biến mất. 

Với các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, quý Đại lý hãy luôn cẩn trọng và lựa chọn các kênh thanh toán tiền điện, tiền điện thoại chính thống và an toàn của các Tổng công ty Điện lực và công ty Viễn thông để giao dịch nhé.

Giả mạo trang web của ngân hàng, tổ chức tài chính, sàn thương mại điện tử, cơ quan nhà nước. 
Hàng loạt các website của tổ chức tài chính ngân hàng, sàn thương mại điện tử, cơ quan, nhà mạng,...bị giả mạo nhằm lừa đảo trên không gian mạng và gậy thiệt hại không nhỏ đến người dân. Kẻ xấu sẽ lợi dụng để lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng và tiếp tục sử dụng những thông tin này để tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp luật khác.

Cuối năm và các dịp lễ Tết đang đến gần cũng là lúc kẻ xấu hành động nhiều và mạnh mẽ hơn. Quý Đại lý hãy đặc biệt cẩn trọng và áp dụng phương pháp “3 KHÔNG” để đề phòng những trường hợp không mong muốn xảy ra nhé:
  • Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng qua điện thoại, tin nhắn hay email
  • Không truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc
  • Không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Hy vọng với những thông tin trên, quý Đại lý của chúng ta sẽ nâng cao cảnh giác trước những tình huống tương tự và tránh thất thoát tài sản trong dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần này nhé. 
Nguồn: Vietnam.net, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí tài chính
----------
Để biết thêm thông tin chi tiết, Đại lý vui lòng phản hồi qua:

☎ Tổng đài CSKH: 1900 6906 (24/7 - cước phí 1.000đ/phút);
📧 Email: hotro@shopeepay.com;
🌐 Facebook: Đại lý Shopee.